Nhận định Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình

Trong bài giảng lễ an táng cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, giám mục Giáo phận Vĩnh Long Giacôbê Nguyễn Văn Mầu có nhận định:[431]

Tôi thiết tưởng ngài đã đem tâm trạng bình an của mình vào trong xã hội, trong những hoàn cảnh dầu xao động đến đâu đi nữa giữa Chính quyền, giữa Giáo quyền. Ngài như thể là một dòng nước sâu thẳm, dù trên mặt có dao động thế nào, vẫn giữ được sự bình an, đây là một đặc điểm mà tôi nhận là ấn tượng ghi vào đời sống của tôi... Tâm hồn ngài có an nghiêm, có trật tự đó, và ngài đã đưa an nghiêm có trật tự này đến với những người chung quanh. Chúng ta thấy đời sống của ngài, giáo phận của ngài đã thể hiện được điều đó mặc dù chỉ tương đối và phần nào đã tạo nên sự hoà bình cho Giáo Hội, cho đất nước.

Trong bài viết Tổng Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình nhân vật của những thời điểm lịch sử, Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo đưa ra nhận định về cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình:[32]

Nhân vật của chúng ta [Nguyễn Văn Bình] đã tỏ rõ khả năng phi thường của mình trong việc đáp ứng những nhu cầu của lịch sử, đặc biệt góp phần dẫn dắt Giáo hội Công giáo Việt Nam vượt qua những thử thách gay gắt đầy nghịch lý của chiến tranh, bước đầu khẳng định chỗ đứng của mình trong môi trường xã hội hoàn toàn mới mẻ khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đầu năm 1975.

...

Đức Tổng Bình như cách gọi thân thuộc của cộng đồng giáo hữu đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong những chặng đường đầy thách đố với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ngài như vị Tổng giám mục đầu tiên của giáo phận Sài Gòn khi Giáo hội Công giáo Việt Nam ra khỏi chế độ Đại diện Tông tòa hàng trăm năm, bước vào giai đoạn các giáo sĩ bản địa thực sự nắm quyền, chấm dứt giai đoạn truyền giáo. Ngài cũng thuộc số những TGM đầu tiên ở nước ta triển khai những đường hướng Canh tân và Hội nhập của Công đồng Vatican II (1962 – 1965) với biết bao hoạt động mới mẻ, độc đáo. Ngài cũng là vị TGM đầu tiên của giáo phận thành phố Hồ Chí Minh dẫn dắt đàn chiên của mình hội nhập với một thực tại mới mẻ, chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, nay là Tổng Đại diện Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, có thời gian là Thư ký của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đưa ra nhận định về cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình:[432]

Trong suốt mấy mươi năm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, dù trải qua biết bao biến cố lịch sử quan trọng, dù gặp biết bao thử thách gian truân, với nhiều buồn phiền và đau khổ, ngài vẫn can đảm chịu đựng, hết sức bình tĩnh, khôn ngoan lèo lái con thuyền giáo phận vượt qua mọi phong ba bão táp. Ngài không ngừng mời gọi cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận ra sức mến Chúa yêu người, hiên ngang sống đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Giáo Hội và luôn luôn đồng hành với dân tộc...

Trong bài viết Ngõ cụt !? đăng trên Nguyệt san báo Công giáo và Dân tộc tháng 7 năm 1997, nguyên Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc Nguyễn Thanh Long viết:[433]

Dấu ấn lớn nhất của cuộc đời Đức Tổng, theo tôi – một kẻ không có cơ may gần gũi mà chỉ biết ngài qua sách vở, báo chí – là dấu ấn của những ngõ cụt. Bày tỏ lập trường yêu nước với bề trên trong những năm 1940: ngõ cụt Cầu Đất! Ủng hộ hòa giải hòa hợp dân tộc, đòi hòa bình,... trước năm 1975 : ngõ cụt với Mỹ! Chủ trương sống gắn bó với Dân tộc để phục vụ Dân tộc: ngõ cụt của Bức thư chung năm 1980! Kêu gọi “người công giáo tham gia vào việc xây dựng quốc gia và hợp tác với chính quyền trong mọi công cuộc ích quốc lợi dân theo tinh thần của Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng” (Thư luân lưu 12-6-1975) : ngõ cụt với Giáo triều Rôma! Người kế vị: ngõ cụt, không phải một lần mà là hai lần, không phải với một bên mà là hai bên, và không biết sẽ còn mấy lần nữa với mấy bên nữa!...Còn có thể kể thêm bao nhiêu ngõ cụt nữa của cuộc đời ngài?

Nhưng nói ngõ cụt cũng chỉ là một cách nói, một cách nhìn. Bởi lẽ có những lúc, có những chuyện, dấn thân đi vào ngõ cụt không phải để ẩn thân hay để chịu bế tắc, nhưng là để tìm ra những con đường thênh thang hơn. Tôi cứ nghĩ Đức Tổng nằm trong trường hợp này. Nếu không có những ngõ cụt mà Đức Tổng đã vì xác tín mà chọn lựa, và cũng vì đó mà phải bị gán cho bao nhiêu thứ “tội lỗi” và “tính hư tật xấu” trên đời : “ba phải”, “thỏa hiệp”, “Giám mục đỏ”…

Linh mục Chân Tín viết trong bài viết Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình: Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn dưới chế độ mới cho rằng Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình còn thiếu sót trong một vài điểm trong thời gian ông quản nhiệm giáo phận:[297]

Không lên tiếng bảo vệ cho các tu viện trong Tổng giáo phận bị tịch thu tài sản và những cáo buộc không rõ ràng; Không lên tiếng bảo vệ cho các linh mục Tuyên úy do chính hàng giáo phẩm Công giáo bổ nhiệm thời Việt Nam Cộng hòa, những người theo chế độ chính trị cũ bị tịch thu tài sản và sinh hoạt tôn giáo tại Tổng giáo phận tại các nhà thờ, chủng viện bị đình trệ; Hoan nghênh Uỷ ban Đoàn kết Công giáo; Gây chia rẽ các giám mục Công giáo Việt Nam trong vụ việc tuyên các Thánh tử đạo Việt Nam; Thiếu quan tâm đến Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận và thiếu quyết đoán trong việc xin cho tổng giám mục Thuận trở về Tổng giáo phận sau khi ông này được trả tự do; Vụ việc đặt Tổng đại diện tuyên bố trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam.[297]

Nhà báo Pháp Jean Paul Guetny viết trên tờ báo Pháp Actualité Religieuse dans le Monde (Thời sự Tôn giáo Thế giới). Guetny viết trong bài báo đặc biệt đề cập đến giám mục Gaillot và nhắc đến sáu giám mục khác được nhận định là "tai tiếng", có nội dung viết về Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình như sau:[11]

Người Việt Nam di tản gọi ngài là Giám mục đỏ, vì ngài là một trong những vị Giám mục Việt Nam đầu tiên, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã cổ vũ sự thân thiện và hợp tác với chế độ cộng sản Hà Nội. Đối với những người công giáo ở lại trong nước, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình là biểu tượng cho một “sự thỏa hiệp không thể tránh được” mà Giáo hội Việt Nam phải chấp nhận sau khi Sài Gòn sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một linh mục Việt Nam nhắc nhớ : “Phải có một người dám đứng ra kêu gọi hòa hợp, cho dù có khó khăn đi nữa… Và ngài đã là con người ấy.” Do đó, đối với nhóm người ở trên, ngài là kẻ phản bội, còn với nhóm sau, ngài là con người hòa giải…”.

Ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong một bài viết nhân dịp Giáng sinh năm 2005 có đưa ra đôi lời nhận định về cố Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình:[434]

Về phần mình, có dịp gặp gỡ và kết bạn với ông (Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình), khi ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau này công tác ở Trung Ương, tôi nhận được ở ông nhiều sự chia sẻ.

Giữa biết bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản, không phải để chiều thời mà để “xây dựng trần thế”. “Gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc” ở đất nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình là một tấm gương về sự kiên trì xóa bỏ thành kiến, bằng cách chủ động bước vào cuộc sống mới, tạo ra thực tế mới để xây dựng niềm tin chân thành, vững chắc.

Bán nguyệt san Giáo sĩ Việt Nam số 362 ra mắt ngày 22 tháng 9 năm 2019, trong bài viết Có mấy thứ Thập Giá? có đoạn tường thuật và nhận định về Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình:[435]

Vào khoảng năm 1990, Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đi “ad limina” ở Roma về, ngài vui mừng, chia sẻ: lần này Toà Thánh đã xem tôi là người công giáo rồi! Là vì trong quá trình sống chung với anh em sau năm 1975, ngài đã bị báo cáo này nọ, chẳng hạn ngài là giám mục chưa đến nỗi “quốc doanh” nhưng là loại “công tư hợp doanh."

Tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ – CIA đề ngày 25 tháng 2 năm 1965 có đánh giá sơ lược về Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình như sau:[436]

Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo cộng đồng Công giáo tại Sài Gòn, là một người ôn hòa và được tôn trọng rộng rãi ngay cả trong số những người theo đạo Phật. Là một nhà phê bình ôn hòa đối với [Ngô Đình] Diệm, kể từ khi [chính quyền] Diệm sụp đổ, [Nguyễn Văn] Bình biểu lộ sự lo ngại về ý định của Phật giáo, và đã miễn cưỡng hợp tác cởi mở với chính phủ của [Phan Huy] Quát như khi ông hợp tác với [Nguyễn] Khánh. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhân vật có tính xây dựng và hợp nhất, với có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể đến các biến cố quan trọng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình http://giaoluatconggiao.com/Cac-Quy-Che/tu-chinh-h... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://www.nytimes.com/1973/01/20/archives/thieus-... http://pierrenguyenthanhlong.com/1976/01/24/t%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1997/07/01/s%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1998/05/15/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2008/07/04/cai-m%... http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/07/08/1762/ http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/08/26/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2015/07/13/ky-nie...